1-5

Tôi phải thuyết phục mãi thì mới được chị đồng ý cho đăng bài viết này vì chị cho rằng việc chị làm là theo suy nghĩ và động lực cá nhân thôi, không mang danh nghĩa hoặc đại diện cho Công ty.

Người kể câu chuyện dưới đây là một nữ đồng nghiệp ngồi ở bàn đối diện với bàn của tôi trong văn phòng. Tôi nghe được câu chuyện nhân lúc tôi và chị thảo luận về mô hình hoạt động của một quỹ từ thiện mà công ty khởi xướng nhằm giúp đỡ các nhân viên đang làm việc cho Công ty khi họ bị bệnh nặng, hiểm nghèo mà không có đủ điều kiện tài chính để chữa trị. Dẫu biết rằng cái quỹ từ thiện mà Công ty sắp thành lập là một dạng “phong trào” như bao phong trào mà nhiều tổ chức doanh nghiệp khác đang làm, nhưng câu chuyện mà chị kể khiến tôi tự hỏi: Khi người ta làm điều đúng, đúng về mặt xã hội nhân văn, thì người ta đâu phải đợi có “phong trào” rồi mới làm!

 

Chị kể bằng một giọng xúc động:

“Đoàn chúng tôi, chỉ có 6 người là những người bạn bên ngoài xã hội và một số anh em đồng nghiệp trong Công ty, khởi hành lúc trời chưa sáng hẳn vào một ngày se lạnh giáp Tết Bính Thân 2016. Không khí rộn ràng chuẩn bị đón Tết hiện rõ dọc hai bên đường suốt hành trình chúng tôi đi từ thành phố Hồ Chí Minh về Sóc Trăng, một tỉnh vùng sâu ở miền Tây Nam bộ. Trại phong Sóc Trăng là điểm đến đầu tiên của chúng tôi. Tại Trại phong Sóc Trăng, đoàn đã gặp và trao quà trực tiếp cho 61 bệnh nhân phong. Chúng tôi thấy rõ niềm vui xen lẫn sự xúc động trên nét mặt của các bệnh nhân phong vì có lẽ họ vẫn chưa tin rằng sự kỳ thị của nhiều người vì thiếu hiểu biết đối với bệnh phong trong xã hội đã dần mất đi.

2-33-54-4

Rời Trại phong Sóc Trăng, đoàn chúng tôi tiếp tục lên đường trở về TP. Cần Thơ để đến Trung tâm Ân Phúc – TP. Cần Thơ thăm các bệnh nhân tâm thần. Có thể nói tâm trạng của chúng tôi trước khi bước vào Trung tâm cũng có phần e dè, bất an. Nhưng khi vào bên trong, chúng tôi thực sự rất bất ngờ vì sự tươm tất, sạch sẽ của các bệnh nhân, sự ngăn nắp của các khu vực sinh hoạt, bếp ăn và các khu vực chung quanh. Đón chúng tôi là 1 tu sĩ nam với gương mặt nhễ nhại và lưng áo thì ướt đẫm mồ hôi. Vị tu sĩ cho biết mình vừa tắm rửa cho 44 bệnh nhân xong. Được biết Trung tâm Ân Phúc ra đời từ sự đóng góp tự nguyện của một nhóm các linh mục và tu sĩ ở Cần Thơ để chăm sóc và nuôi dưỡng các bệnh nhân tâm thần bị bỏ rơi ngoài xã hội. Chúng tôi cảm thấy xót xa và phẫn nộ khi biết một số bệnh nhân tâm thần đã bị bọn xấu lạm dụng lấy đi nội tạng trước khi được chuyển đến các cơ sở y tế. Linh mục Trần Đăng Tuấn, một trong những tình nguyện viên trong nhóm thiện nguyện đã ray rứt tìm cách để bảo vệ những bệnh nhân tâm thần này với suy nghĩ đầy chất nhân văn rằng bệnh nhân tâm thần vẫn là con người, vẫn là tế bào của xã hội, vì vậy họ cần được chăm sóc và bảo vệ để có cơ may tìm lại sự hồi phục trở thành người bình thường. Từ ý tưởng tạo ra một mái ấm cho các bệnh nhân tâm thần có hoàn cảnh đáng thương đó, linh mục Trần Đăng Tuấn và một số người hảo tâm đã cùng nhau xây dựng Trung tâm Ân Phúc này vào năm 2013. Thời điểm đoàn chúng tôi đến thăm, có 44 bệnh nhân tâm thần được chăm sóc tại Trung tâm bởi 3 tu sĩ làm hết thảy mọi việc từ việc tắm rửa cho bệnh nhân đến việc cho ăn và uống thuốc. Ai cũng biết chăm sóc bệnh nhân tâm thần không hề dễ vì bệnh nhân tâm thần có thể gây nguy hiểm cho những người xung quanh. Áy vậy mà tại Trung tâm Ân Phúc, nhìn sự tươm tất, gọn gàng nơi ở của bệnh nhân, nhìn các bệnh nhân được tắm rửa sạch sẽ, mới thấu hiểu được sự hy sinh cao cả của các tu sĩ. Có khi chỉ vì để nhận được 10kg thịt heo từ một nhà hảo tâm tận Thành phố Hồ Chí Minh, các tu sĩ phải lặn lội bắt chuyến xe khuya để kịp đến nơi nhận hàng xong và quay về Trung tâm để kịp nấu bữa trưa cho bệnh nhân. Ngoài các tu sĩ còn có 1 phụ nữ phụ giúp công việc trong bếp. Chị này có người em trai là bệnh nhân tâm thần cũng đang được chăm sóc tại Trung tâm. Chị tình nguyện ở lại giúp việc cho Trung tâm. 

5-2

Đoàn từ thiện được chào đón một cách thân thiện bởi một bệnh nhân tâm thần.

6-1

7-2

Chúng tôi kết thúc chuyến từ thiện và lên đường về lại Sài Gòn để về chuẩn bị đón Tết với gia đình mang theo những cảm xúc thật khó tả xen lẫn sự cảm phục tột bậc đối với những người đã và đang hy sinh thầm lặng để chăm sóc những bệnh nhân tâm thần không nơi nương tựa với một niềm tin mãnh liệt là trả lại cuộc sống bình thường cho họ. Được biết có 6 bệnh nhân tâm thần sau khi được chăm sóc tại Trung tâm Ân Phúc đã hồi phục và trở về gia đình hòa nhập với cộng đồng.”

Chị cho biết nhóm thiện nguyện của chị đã quyên góp được gần 50 triệu đồng tiền mặt và nhiều hiện vật khác cho chuyến từ thiện đến Trại phong Sóc Trăng và Trung tâm Ân Phúc ở Cần Thơ. Tôi trách khéo chị rằng sao chị không tuyên truyền rộng rãi hơn để nhiều nhân viên trong Công ty biết và chung sức với chị. Chị cười khiêm tốn bảo rằng mình làm là vì cái tâm hướng thiện của cá nhân mình và những người bạn mà thôi.

Chị tâm niệm rằng: “Sống trên đời, tuy mỗi số phận mà sinh ra hoàn cảnh và điều kiện khác nhau. Nhưng 1 lần, hãy nhìn lại để thấy rằng đôi khi con vật nuôi của ta còn may mắn hơn cả những người đồng loại khác của chúng ta. Hãy sống biết khiêm tốn, và sử dụng cái mình có 1 cách ý nghĩa. Để tiêu xài 1 thứ gì đó rất dễ, nhưng để bỏ 1 vài đồng bạc để cho những người kém may mắn đôi khi lại rất khó.....Không phải bạn ích kỉ, nhưng chỉ là bạn không thể ở hoàn cảnh của họ để biết được rằng với họ cuộc sống này khó khăn đến thế nào, chỉ để sinh tồn.”

Vậy đó, vẫn cần nhiều hơn nữa trong cuộc sống tất bật chuyện cơm-áo-gạo-tiền của chúng ta những tấm lòng và nghĩa cử nhân văn dành cho những mảnh đời bất hạnh.

Ghi chép qua lời kể của chị Phan Thị Kim Hồng, Trưởng phòng Hành chính HSC
Thực hiện biên tập: Hoàng Công Tuấn, Giám đốc Truyền thông HSC